Trong bối cảnh tín dụng bị thắt chặt, thanh khoản BĐS suy giảm cùng những biến động về tài chính toàn cầu, nhiều người có tài chính lăn tăn không biết bỏ tiền vào kênh đầu tư nào tránh rủi ro, lợi nhuận ổn.
Theo một chuyên gia trong ngành, thời điểm này khó dự đoán được tình hình. Tuy nhiên, khẩu vị của mỗi nhà đầu tư là khác nhau trong bối cảnh thị trường biến động.
Nhiều người cho rằng, lúc này, gửi tiết kiệm được cho là kênh đầu tư an toàn khi lãi suất tiết kiệm vẫn xu hướng tăng. Bước sang năm 2023, nhiều dự đoán cho rằng đây vẫn sẽ là kênh đầu tư an toàn và lý tưởng. Không ít nhà đầu tư có xu hướng rút vốn từ những kênh khác để gửi tiết kiệm. Mặc dù hiện nay thanh khoản hệ thống đã hạ nhiệt khá nhiều, nhưng áp lực lên lãi suất vẫn còn tương đối lớn.
Hiện nay, ở Việt Nam chưa có quy định cho phép phá sản ngân hàng, việc gửi tiền vào ngân hàng vẫn tương đối chắc chắn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi chọn ngân hàng gửi tiền, lãi suất cao không hẳn là yếu tố cốt lõi để đưa ra quyết định. Thời điểm này, nhà đầu tư nên lựa chọn các ngân hàng có yếu tố an toàn, chất lượng dịch vụ tốt, đi cùng với đó là xem xét mức lãi suất hợp lý để tối ưu hiệu quả đầu tư.
Trong khi đó, thị trường trái phiếu hiện nay còn nhiều ngổn ngang, bất cập chưa xử lý được hết. Đến quý 2/2023, nhiều trái phiếu đến hạn, bắt buộc Ngân hàng Nhà nước phải tăng đầu vào lên để cung cấp ra lượng vốn nhất định đáp ứng được khả năng đảo nợ cho trái phiếu đó.
Với chứng khoán, sau cú giảm rất mạnh lên tới hơn 40%, thị trường này sẽ cần một thời gian để phục hồi và ổn định trở lại. Tuy nhiên chỉ cần chính sách nới lỏng trở lại, mọi thứ sẽ quay lại guồng quay mới. Một số chuyên gia dự đoán, vào nửa sau 2023, thị trường sẽ bớt khó hơn cho chứng khoán. Khi đó, nhà đầu tư nên cân nhắc rót khoảng 20-30% vốn cho chứng khoán, còn lại vẫn nên lựa chọn một kênh đầu tư an toàn như gửi tiết kiệm. Khi chính sách thay đổi nới lỏng hơn, có thể xem xét dành ra 80% cho kênh này.
Vàng cũng sẽ là kênh đầu tư trú ẩn an toàn cho cả nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Thông thường giá vàng thế giới sẽ ngược chiều với sức mạnh của đồng đô la Mỹ. Từ đầu năm đến nay, đồng đô la mạnh lên khá nhiều, trong khi đó giá vàng thế giới có xu hướng giảm.
Chia sẻ trên báo giới, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, rằng thời điểm này vàng sẽ là kênh nguy hiểm khi giá lên xuống liên tục. Trong bối cảnh nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng lên đến 9-10%, gửi tiền tiết kiệm ngân hàng là kênh an toàn nhất, khả quan nhất. Còn với chứng khoán, thời gian này ai có “gan” lắm mới nhảy vào, bởi hiện tại không ai biết chứng khoán đã chạm đáy hay chưa. Do vậy, đầu tư vào chứng khoán lúc này cũng rủi ro.
Theo một số chuyên gia, trong các kênh đầu tư, BĐS vẫn được nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, với bối cảnh hiện nay, dòng tiền đầu tư phải xác định dài hạn.
Theo ông Kiệt, thời gian gần đây, lãi suất, lạm phát tăng đã khiến thanh khoản BĐS giảm và tâm lý thị trường bị xáo trộn. Điều hoang mang nhất là người mua khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Việc nới room tín dụng chưa giải quyết được vấn đề của thị trường BĐS ở thời điểm này. Nhiều nhà đầu tư tiếp tục rơi vào trạng thái xáo trộn tâm lý, quan sát nghe ngóng
Tuy còn khó khăn, nhưng trong các kênh đầu tư hiện tại BĐS vẫn được “gọi tên” là nơi trú ẩn an toàn dòng tiền nhất, được các nhà đầu tư quan tâm. Trong quan điểm của nhà đầu tư cùng kinh nghiệm trải qua với BĐS, họ vẫn coi BĐS là kênh giữ giá trị tài sản tốt nhất, nếu đặt bàn cân với vàng, chứng khoán, tiền ảo….
“Trong các kênh đầu tư hiện tại thì BĐS vẫn là kênh đầu tư và trú ẩn được các nhà đầu tư quan tâm. Mức sinh lời phù hợp, khả năng giữ giá trị qua khủng hoảng và khả năng khai thác là các yếu tố nhà đầu tư dành sự quan tâm đặc biệt đến BĐS”, chuyên gia CBRE Việt Nam nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, thị trường BĐS đang sàng lọc. Giá bất động sản hiện nay là có giảm nhưng chỉ trong thời gian ngắn khi các doanh nghiệp cố gắng giải quyết các vấn đề về vốn. Về lâu dài thì giá bất động sản rất khó giảm vì nhìn vào cấu thành giá như tiền mua đất, phát triển dự án, xây dựng, chi phí bán hàng, vốn vay đều tăng.
Có thể thấy, tại Việt Nam, giá BĐS tại một số khu vực tiếp tục giữ nhịp tăng trưởng ở mức 15-20%/năm, thậm chí BĐS tại trung tâm Tp.HCM luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư thường sợ rủi ro nên không bỏ trứng vào một giỏ. Tuy nhiên, BĐS vẫn là kênh đầu tư sáng giá trong thời điểm hiện nay, khi kênh chứng khoán chỉ dành cho những nhà đầu tư có kiến thức tài chính. Tất nhiên, khi lựa chọn BĐS nào để rót vốn, nhà đầu tư và khách mua nhà cần phải tính toán nhiều yếu tố liên quan như ưu thế và tiềm năng tăng trưởng của dự án, chất lượng pháp lý, năng lực tài chính bản thân và khả năng chịu đựng tổn thất tiềm ẩn.