Ngoài các trường hợp trên thì luật quy định phải đấu giá, đấu thầu khi giao đất, cho thuê đất. Đây là những phương thức cạnh tranh nhằm lựa chọn những nhà đầu tư có nguồn lực tài chính mạnh, có năng lực tốt, đặc biệt phải có năng lực “thật” thông qua kinh nghiệm thực hiện các dự án đã hoàn thành. Quy định này chắc chắn sẽ giúp “thanh lọc” thị trường. Để tồn tại, các doanh nghiệp nhỏ buộc phải liên kết hình thành các doanh nghiệp lớn theo mô hình tập đoàn để tăng khả năng cạnh tranh, số lượng doanh nghiệp chắc chắn sẽ bị thu hẹp nhưng quy mô trung bình, vốn của doanh nghiệp sẽ mở rộng, các doanh nghiệp nhỏ sẽ dần rút lui khỏi lĩnh vực bất động sản.
Ngoài ra, cơ chế đấu giá, đấu thầu được thực hiện công khai, gắn với chuyển đổi số (thực hiện trên môi trường điện tử: hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, cổng thông tin quốc gia về đấu giá tài sản) còn hạn chế triệt để các “doanh nghiệp sân sau” được giao đất trực tiếp theo cơ chế chỉ định, các cuộc “đấu giá cuội”, đấu thầu dàn xếp “quân xanh, quân đỏ”… là lý do căn bản khiến nguồn lực đất đai không được khai thác, sử dụng hiệu quả suốt những năm qua.
Một điểm mới đáng lưu ý của Luật Đất đai 2024 là việc thu hồi đất để thực hiện các dự án nhà ở thương mại chỉ áp dụng cho các dự án quy mô lớn, đồng bộ hạ tầng (có đủ điện, đường, trường, trạm…) Như vậy, việc thu hồi đất chỉ được đặt ra trong trường hợp thực sự cần thiết để thực hiện những dự án điểm nhấn, tạo động lực phát triển kinh tế, thúc đẩy gia tăng tỷ lệ đô thị hóa, tạo hiệu ứng lan tỏa cho cả vùng, cả khu vực, gắn với cơ hội việc làm và các tiện ích cho cư dân. Các dự án quy mô nhỏ, mang tính chất cục bộ sẽ không được áp dụng cơ chế thu hồi đất.
Như vậy, có thể mường tượng bức tranh bất động sản sau năm 2024 theo hướng các chủ đầu tư chủ yếu sẽ là những nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp, có năng lực thực sự; các dự án bất động sản cũng sẽ được thu hẹp về số lượng nhưng không ngừng mở rộng về quy mô và nâng cao chất lượng cũng như các tiện ích, hạ tầng (đặc biệt, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 cũng siết chặt việc “phân lô, bán nền” tại khu vực đô thị loại III trở lên). Điều đó sẽ giúp thị trường phát triển theo chiều sâu, hướng tới chuyên nghiệp.
Chấm dứt hiện tượng doanh nghiệp “găm đất" rồi bỏ hoang
Theo chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh, một vấn đề cũng thu hút sự quan tâm rất lớn là Luật Đất đai 2024 đã đẩy mạnh hình thức cho thuê đất trả tiền hằng năm, thu hẹp trường hợp thuê đất trả tiền một lần. Các dự án sản xuất, kinh doanh về cơ bản sẽ buộc phải thuê đất trả dần từng năm. Quy định mới này sẽ trả đất thương mại, dịch vụ; đất sản xuất, kinh doanh khác về đúng bản chất là một tư liệu sản xuất quan trọng của nền kinh tế, không phải là một thứ tài sản để tích trữ, đầu cơ.
Việc buộc phải thuê đất trả tiền hằng năm sẽ giúp chấm dứt hiện tượng doanh nghiệp “găm giữ” các lô đất thương mại, dịch vụ ở vị trí đắc địa (hiện tượng “quây tôn đất vàng”) để chờ tăng giá rồi “bán” hoặc để xin chuyển mục đích sang kinh doanh nhà ở như hiện tượng đã diễn ra tràn lan suốt những năm qua. Bởi với đất thuê trả tiền hằng năm, chủ đầu tư sẽ không được “bán” đất mà buộc phải hoàn thành xây dựng theo đúng quy hoạch, thiết kế mới được bán hoặc cho thuê công trình.
Luật Đất đai 2024 sau khi đi vào cuộc sống chắc chắn sẽ tạo ra thời cơ lớn cho sự phát triển, biến đất đai trở thành một “nguồn lực nội sinh” của nền kinh tế. Nhưng cũng cần phải nhấn mạnh rằng Luật mới vận hành trên nguyên tắc thị trường, tính cạnh tranh cao độ buộc giới doanh nghiệp, các chủ thể sử dụng đất phải chủ động, sáng tạo, linh hoạt ứng biến và chuyên môn hóa cao độ.
Cũng không thể không đề cập đến trách nhiệm quản lý của các cơ quan có thẩm quyền – những “hạt nhân” trong thực thi chính sách đất đai thời kỳ mới. Chẳng hạn, Luật cho phép mở rộng đối tượng và hạn mức sử dụng đất nông nghiệp (các tổ chức kinh tế hay các cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp cũng được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa) sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho tập trung, tích tụ đất đai phục vụ sản xuất lớn, gắn với các dự án nông nghiệp công nghệ cao.
Hoặc quy định về sử dụng đất kết hợp đa mục đích (gồm đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ) sẽ làm gia tăng hiệu quả sử dụng đất và biến nhiều nông dân trở thành triệu phú. Nhưng khâu kiểm soát, quản lý của cơ quan nhà nước sẽ trở nên cực kỳ quan trọng để tránh tạo ra các “biến tướng”, “lách luật”, gây thất thoát, lãng phí ngân sách.
"Tôi cho rằng tất cả chúng ta đều là chủ thể được hưởng lợi nếu am hiểu luật và có chiến lược pháp lý, tài chính… hợp lý và ngược lại, đều có thể trở thành nạn nhân nếu không kịp trang bị để ứng phó với những thay đổi của chu kỳ luật mới", ông Nguyễn Văn Đỉnh nhấn mạnh.