“Đất vàng” là 2 từ rất phổ biến mô tả ngắn gọn nhất giá trị của một miếng đất. Thường thì “đất vàng” hay gắn với vị trí rất đắc địa ở khu vực trung tâm khu đô thị hiện hữu đã sung túc, sầm uất và có lợi thế khai thác kinh doanh, nhà ở hay văn phòng hoặc miếng đất có địa thế đẹp về cảnh quan.
Hành trình để đất thô trở thành đất vàng
Chính vì giá trị của nó mà “đất vàng” luôn thu hút sự quan tâm của giới đầu tư và công chúng. Người sở hữu được nó cũng chính là thể hiện đẳng cấp của mình thông qua giá trị tài sản mà mình sở hữu.
Thế nhưng cũng có loại “đất vàng” khác mà chủ đất phải bỏ rất nhiều công sức, nguồn lực, thời gian trong một quá trình rất dài vài chục năm để tự mình cải tạo một vùng đất từ lúc còn hoang sơ không ai ngó ngàng đến cho đến khi hình thành nên một khu đô thị hiện đại, khang trang, sung túc.
Phú Mỹ Hưng hiện nay là đất vàng ở khu Nam Sài Gòn nhưng cách đây hơn 20 năm không ai muốn sinh sống ở đó khi khởi điểm là vùng đất đầy kênh rạch, lau sậy, không có giao thông. Nhờ những con đường mới mở, những cây cầu bắc qua và những khu quy hoạch khang trang, xây dựng đồng bộ cùng cảnh quan được chăm chút do chủ đầu tư kiên trì phát triển mới có một KĐT Phú Mỹ Hưng đáng sống như ngày nay.
Cùng thời Phú Mỹ Hưng ngày đó, vào những năm 2000, KĐT Vạn Phúc khởi điểm cũng là vùng đất hoang sơ, thấp trũng đầy lau sậy và không có đường đi. Muốn đi khảo sát dự án phải đi bằng đường ghe chứ không đi đường bộ được.
Ít ai biết được để có một khu đô thị khang trang, hiện đại như hiện nay, chủ đầu tư đã phải bền bỉ hàng chục năm kiến thiết
Bao nhiêu nhà đầu tư đến rồi đi vì lắc đầu đánh giá vùng đất này không tiềm năng và khó phát triển. Một đường điện cao thế đi ngang qua dự án khiến nhà đầu tư e ngại, chưa kể bị ảnh hưởng ít nhiều của đường hạ cánh máy bay ngang qua. Nhiều nhà đầu tư đã lần lượt ra đi, cuối cùng chỉ có 1- 2 nhà đầu tư kiên trì ở lại để phát triển nó.
Không đến nỗi khắc nghiệt như ông chủ Phú Mỹ Hưng nhưng có những giai đoạn mà cán bộ nhân viên phải đi thang bộ, còn thang máy nhường cho khách vì nguồn lực dành cho dự án quá lớn đã cạn kiệt. Sống qua được những giai đoạn khó khăn đó đã là một kỳ tích chứ đừng nói đến chờ đến ngày đất thô trở thành đất vàng.
Để có một KĐT Vạn Phúc như ngày nay thành khu đô thị đáng sống mọi người đều mơ ước là cả một quá trình bền bỉ hơn 20 năm kiên trì, không bỏ cuộc. Mất hàng chục năm để bồi thường giải phóng mặt bằng theo phương thức tự thỏa thuận với người dân từng m2 đất với giá khá cao so với mặt bằng chung.
Đừng chỉ nhìn vào ánh hào quang
Khâu bồi thường giải phóng mặt bằng là nỗi ám ảnh của các CĐT khi phát triển dự án vì câu chuyện không có hồi kết thúc. Chỉ vài trường hợp người dân không hợp tác là câu chuyện đi vào bế tắc. Đất không có giấy tờ, đất nông nghiệp nhưng vẫn có thể yêu cầu chủ đầu tư phải bồi thường ngang đất nhà ở có sổ, dù vô lý nhưng đôi khi vẫn phải ngậm ngùi chấp nhận.
Khu đô thị kiểu mẫu Phú Mỹ Hưng là một khu đầm lầy, khó tiếp cận
99% diện tích cho dù đã sạch, chỉ còn 1% người dân không thỏa thuận được là cũng đủ mệt mỏi kéo dài. Đó còn chưa kể đến nguồn ngân sách đổ vào mỗi năm càng lớn đầu tư cho hạ tầng, tiện ích và xây dựng nhà cửa ngày càng đẹp và khang trang là áp lực rất lớn.
Chính vì vậy nếu chỉ nhìn vào ánh hào quang của hiện tại khi nó đã hình thành khang trang, sung túc và trở thành đất vàng chứ đâu hiểu hết được quá trình chăm chút đầu tư để biến đất từ thô thành vàng là cả một sự sống còn gian nan cỡ nào.
Có thời điểm căng thẳng đến độ tưởng như bế tắc khi đơn vị được giao đầu tư hạ tầng chính bỏ cuộc vì không đủ nguồn lực triển khai. Thành phố giao qua vài đơn vị khác khảo sát xong cũng từ chối vì đánh giá dự án vào thời điểm đó không hấp dẫn, không sinh lợi cao do vùng đất Hiệp Bình Phước (Thủ Đức) khi đó còn rất thưa thớt hoang sơ, không tiềm năng.
Giá trị của đất thô ngày đó cách xa rất nhiều so với hiện tại nên dùng từ đất vàng như kiểu ở trên trời rơi xuống và có sẵn để gán ghép thật khiên cưỡng. Nếu không có doanh nghiệp bền bỉ, quyết liệt thì không thể có KĐT Vạn Phúc như bây giờ, thay vào đó bán đảo Hiệp Bình Phước sẽ có cùng cảnh như bán đảo Thanh Đa ngủ yên không có gì khác biệt so với 20 năm trước đây.
Mọi nỗ lực, cố gắng rồi mọi việc cũng ổn cho đến thời điểm hiện tại khi thủ tục pháp lý đã hoàn tất phê duyệt 1/2000, 1/500, hoàn thành 100% nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và phần lớn khách hàng khi nhận nhà là có sổ luôn từng căn. Hơn 3.000 cư dân đã vào ở và gần 300 doanh nghiệp đang hoạt động tại đây với đầy đủ hạ tầng, tiện ích nội khu.
Thế mới biết, để biến những khu đất hoang sơ ấy trở thành khu đô thị hiện đại như ngày nay, chặng đường mà chủ đầu tư đã đi qua rất đáng tự hào.
NGUYỄN THỊ THANH HƯƠNG - Tổng Giám đốc Đại Phúc Land