Tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản (BĐS) tại các ngân hàng vẫn tăng trong bối cảnh dịch Covid-19, lãi suất cho vay mua nhà đang ở mức thấp là những yếu tố có thể gây rủi ro với dòng vốn này. Dù vậy, việc kiểm soát chặt chẽ từ cả cơ quan chức năng và các nhà băng sẽ giúp giảm rủi ro.
Báo cáo tài chính năm 2020 vừa được các ngân hàng công bố cho thấy, tín dụng kinh doanh BĐS tăng trưởng tốt trong năm vừa qua ở một số ngân hàng. Chẳng hạn, tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), dư nợ tín dụng cho vay kinh doanh BĐS năm 2020 ở mức 28,38 nghìn tỷ đồng, tăng 38% so với con số 20,53 nghìn tỷ đồng của năm 2019. Tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), dư nợ tín dụng kinh doanh BĐS năm 2020 là hơn 9,395 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 75% so với mức 5,356 nghìn tỷ đồng năm 2019. Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), con số này là 22,387 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 7,56% so với mức 20,812 nghìn tỷ đồng của năm 2019.
Còn theo thông tin từ Bộ Xây dựng, dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS trong quý III/2020 tăng 4,3% so với quý II/2020, quý IV/2020 tăng 4,53% so với quý III/2020. Điều này cho thấy tốc độ tăng về dư nợ đã ổn định hơn so với 2 quý trước đó. Tính đến 31/12/2020, dư nợ đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS khoảng 633.740 tỷ đồng.
Theo khảo sát của Bộ Xây dựng, hiện nay nhiều ngân hàng bắt đầu hạ lãi suất cho vay mua nhà. Đơn cử, tại VPBank, lãi suất cho vay mua nhà từ 5,9%/năm trong 3 tháng đầu tiên, 7,9%/năm trong 6 tháng hoặc 8,9%/năm trong 12 tháng đầu tiên; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) từ 7,6%/năm trong 12 tháng đầu tiên hoặc 9,2%/năm trong 36 tháng đầu tiên; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) từ 6,79%/năm, cố định trong 6 hoặc 12 tháng đầu.
Đến thời điểm này, dù chưa có thống kê và đánh giá từ các cơ quan quản lý, các công ty tư vấn về diễn biến thị trường trong 2 tháng đầu năm, song phản ánh từ thị trường cho thấy, có hiện tượng tăng giá đất cục bộ ở một số khu vực tại một số địa phương và nhiều nhà đầu tư vẫn có nhu cầu vay mua BĐS.
Hội Môi giới BĐS vừa công bố dự báo khá lạc quan khi cho rằng: năm 2021, kinh tế Việt Nam sẽ giữ nhịp và đạt tốc độ tăng trưởng tốt hơn nên nhu cầu đầu tư và mua nhà sẽ tăng trở lại. Còn theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, với giả định rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ đạt được ít nhất như năm 2020, lãi suất tiền gửi và lãi suất huy động như năm 2020, biên độ tăng trưởng tín dụng BĐS xấp xỉ 30%, tỷ giá hối đoái và tỷ giá ngoại tệ được kiểm soát tốt, bức tranh xấu nhất của thị trường nhà ở trong năm 2021 là giá cả sẽ bằng năm 2020. Ngoài ra, giá chỉ có thể tăng nếu không xảy ra những biến cố khác.
Từ góc độ cơ quan quản lý nguồn vốn tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong những năm vừa qua, tín dụng BĐS luôn được kiểm soát chặt chẽ, tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS tiếp tục xu hướng giảm (2018 là 26,76%; 2019 là 21,53%) và giảm mạnh trong năm 2020 (9,97%). Năm 2020, tăng trưởng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng chung (12,13%).
Năm 2021, NHNN vẫn tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS. Đặc biệt là đầu tư, kinh doanh BĐS, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng, tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN sẽ điều hành linh hoạt chính sách tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, phù hợp với định hướng chung và diễn biến thị trường BĐS, góp phần phát triển thị trường BĐS ổn định, lành mạnh.
Bình luận về diễn biến trên thị trường BĐS, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho rằng, thực tế giá BĐS vẫn ở mức cao và không giảm trong thời gian dịch bệnh vừa qua. Một số phân khúc thị trường BĐS vẫn giao dịch tốt, trừ BĐS nghỉ dưỡng và du lịch. Đến thời điểm này, chưa nhìn thấy rõ dòng vốn từ kênh đầu tư khác sang BĐS.
“Điều đáng quan tâm hiện nay là mặt bằng lãi suất chung thấp, đặc biệt nhiều ngân hàng thương mại đang dồi dào thanh khoản và chủ động giảm lãi suất cho vay mua nhà. Do đó, rủi ro với tín dụng BĐS vẫn hiện hữu. Dù vậy, hệ thống kiểm soát rủi ro, quản lý nguồn vốn cho vay của các ngân hàng ngày càng chặt chẽ hơn. Khi các ngân hàng thương mại chú trọng kiểm soát, cơ quan chức năng tích cực giám sát thì rủi ro với tín dụng BĐS sẽ không đáng lo ngại”, ông Hiếu nhấn mạnh.